Hướng dẫn 5 bước lập bản kế hoạch marketing hoàn chỉnh 2020
Việc thiết lập một kế hoạch cụ thể cho từng chiến dịch marketing góp phần không nhỏ trong việc dẫn dắt hoạt động marketing tổng thể theo đúng định hướng, mục tiêu và sự phát triển của toàn bộ doanh nghiệp.
Ngược lại, thiếu đi bước lập kế hoạch marketing sẽ khiến mọi thứ trở nên lộn xộn, nhất là trong khoản phân bổ ngân sách hợp lý cho từng dự án, thuê agency, outsource bên ngoài trong suốt một năm hoạt động.
Kế hoạch marketing mỗi ngành mỗi khác, tùy thuộc vào sản phẩm/ dịch vụ bạn cung cấp và cả mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới. Tuy nhiên, các bước thực hiện và yếu tố cần có trong mỗi chiến dịch về cơ bản gần giống nhau.
Vậy, làm thế nào để xây dựng nên một kế hoạch marketing hoàn hảo? Cần đưa vào kế hoạch những yếu tố nào để mau sớm thành công? Và, liệu, có công cụ, template nào hỗ trợ lên kế hoạch marketing hiệu quả không?
Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này. Hãy cùng FIEX tìm hiểu ngay nhé!
Kế hoạch marketing là gì?
Kế hoạch marketing là một file tài liệu phác thảo các chiến lược quảng cáo mà một doanh nghiệp hay tổ chức sẽ thực hiện để tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng và tiếp cận thị trường mục tiêu của mình.
Kế hoạch marketing sẽ nêu chi tiết các hoạt động cần thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm cả mục tiêu và cách thức đo lường hiệu quả của các hoạt động để đạt được mục tiêu trên.
Một kế hoạch marketing thường bao gồm:
- Nghiên cứu thị trường (nhằm hỗ trợ marketing manager định giá và đưa ra mục tiêu cần đạt)
- Thông điệp phù hợp với đối tượng mục tiêu
- Nền tảng truyền thông được lựa chọn để triển khai
- Các chỉ số đo lường kết quả và timeline report
Tầm quan trọng của kế hoạch marketing
Các kế hoạch marketing sẽ giúp bạn quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu.
Việc tạo lập kế hoạch marketing đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ nhưng đây là một công việc rất có giá trị, góp phần tạo nên thành công của công ty.
Tạo lập kế hoạch marketing mang lại cho bạn cơ hội:
- Xác định thị trường mục tiêu, hiểu cách mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đáp ứng như thế nào đối với nhu cầu của đối tượng mục tiêu
- Xác định đối thủ cạnh tranh, biết được khách hàng mục tiêu nghĩ gì về điểm mạnh/yếu của đối thủ
- Định vị thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt hơn hoặc khác biệt so với đối thủ cạnh tranh
- Đặt ra các mục tiêu mới và khung thời gian cụ thể, KPI đo lường cho các hoạt động marketing của doanh nghiệp
- Vạch ra các chiến lược để tiếp cận đối tượng mục tiêu của bạn, bao gồm: thông điệp, kênh và các công cụ sẽ sử dụng.
Bên cạnh đó, một kế hoạch marketing hoàn chỉnh còn giúp bạn tập trung vào mục tiêu cụ thể và sử dụng nguồn lực (ngân sách, nhân sự, công cụ) tốt hơn, từ đó tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.
5 bước xây dựng kế hoạch Marketing
Việc lập kế hoạch marketing không hề dễ dàng, nhất là khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu hoặc lập kế hoạch tiếp thị trước đó.
Tuy nhiên, ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn từng bước để bạn có thể dễ dàng tạo lập ra một bản kế hoạch marketing hoàn chỉnh và phù hợp với doanh nghiệp mình.
Bước 1: Phân tích tình huống – Situation Analysis
Trước khi bắt đầu lên kế hoạch cho các chiến dịch marketing, bạn cần nhìn nhận lại tình hình hiện tại của công ty.
Ma trận SWOT sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp bạn phân tích kỹ càng hơn các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức mà bạn và doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Ngoài ra, bạn cũng nên nắm bắt được tình hình thị trường mà bạn đang hoạt động. Một trong những cách nhanh nhất là theo dõi và phân tích đối thủ cạnh tranh.
Cụ thể, bạn hơn kém đối thủ cạnh tranh ở những khía cạnh nào? Sản phẩm, dịch vụ họ cung cấp đặc biệt ra sao? Họ có lỗ hổng nào trong cách tiếp cận với khách hàng tiềm năng không? Nếu có, bạn có thể làm gì để chiếm ưu thế và tạo điểm khác biệt hơn?
Đấy là những câu hỏi cơ bản bạn cần tự mình tìm câu trả lời nhằm xác định rõ ràng hơn mong muốn của khách hàng.
Bước 2: Xác định khách hàng tiềm năng.
Khi đã hiểu rõ hơn về thị trường và tình hình của công ty, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định nhóm đối tượng khách hàng cần hướng tới.
Nếu doanh nghiệp đã xây dựng sẵn chân dung khách hàng (buyer persona) thì nhiệm vụ của bạn là tinh chỉnh kế hoạch marketing sao cho phù hợp với những vị khách ấy.
Ngược lại, nếu công ty chưa đưa ra bất kỳ định hình nào về khách hàng tiềm năng thì, lẽ đương nhiên, việc bạn cần làm là hãy lập ra chân dung khách hàng tiềm năng bằng cách tiến hành nghiên cứu thị trường.
Chân dung khách hàng (buyer persona) bao gồm các thông tin nhân khẩu học cần thiết như tuổi, giới tính, thu nhập,… cùng thông tin tâm lý học như tính cách, hành vi mua hàng, mục tiêu và vấn đề khách hàng thường xuyên gặp phải, v.v.
Khi đã có sẵn dữ liệu về khách hàng tiềm năng, bạn tiếp tục với bước tiếp theo: đặt ra mục tiêu của chiến dịch.
Bước 3. Đặt mục tiêu theo phương pháp SMART
Một sự thật hiển nhiên trong kinh doanh là bạn không thể cải thiện chỉ số ROI nếu bạn không biết mục tiêu của mình là gì.
Để xác định mục tiêu cụ thể với các chiến dịch marketing, bạn nên sử dụng phương pháp SMART goal. SMART goal là phương pháp giúp người dùng có thể đặt ra mục tiêu thật hiệu quả dựa trên 5 yếu tố:
- Specific (chi tiết)
- Measurable (đo lường được)
- Attainable (có thể đạt được)
- Relevant (thiết thực, có liên quan đến mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp)
- Time-bound (có khung thời gian để hoàn thành).
Ví dụ: Mục tiêu của bạn có thể là “Tăng lượng người dùng theo dõi Instagram của doanh nghiệp lên 15% trong vòng 3 tháng”. Tùy thuộc vào mục tiêu marketing tổng thể của doanh nghiệp, mục tiêu này phù hợp với mục tiêu tổng thể (relevant) và có khả năng để đạt được (attainable). Mặc khác, mục tiêu này cũng rất cụ thể, có thể đo lường được (tăng 15% lượng Instagram follower) và có khung thời gian để hoàn thiện (3 tháng).
Viết ra một mục tiêu đạt chuẩn SMART goal là điều đầu tiên bạn cần làm Trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ chiến thuật marketing nào. Bởi nó sẽ giúp bạn phân tích và đánh giá xem chiến thuật nào có thể giúp mình đạt được mục tiêu. Và đó cũng chính là nội dung của bước 4 bên dưới!
Bước 4. Lựa chọn chiến thuật phù hợp
Như đã giới thiệu phía trên, sau khi lên danh sách các mục tiêu cần triển khai, bạn phải tìm ra chiến thuật nào sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu ấy.
Ví dụ: Mục tiêu của bạn là tăng 15% lượng người theo dõi trên Instagram trong vòng 3 tháng, thì các chiến thuật bạn có thể sử dụng bao gồm:
- tổ chức một chương trình giveaway
- phản hồi mọi comment
- tích cực đăng bài trên Instagram 3 lần/tuần.
Tuy nhiên, chiến thuật bạn áp dụng vào mỗi kế hoạch marketing còn cần phải tương ứng với khoản ngân sách đưa ra từ ban đầu.
Bước 5: Cân nhắc ngân sách marketing hợp lý
Thực chất, việc cân nhắc về ngân sách đầu tư cho các chiến dịch marketing nên được suy nghĩ đến trong từng bước kể trên, đặc biệt là trong bước chọn chiến thuật phù hợp.
Việc lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng giúp bạn dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đặt ra cũng như quá trình triển khai chiến dịch cũng nhanh chóng, suôn sẻ hơn.
Hãy nhớ ghi lại ngân sách ước tính cho mỗi hoạt động, bao gồm cả thời gian cần thiết để hoàn thành và các vật dụng hỗ trợ cần mua thêm, chẳng hạn như không gian quảng cáo, poster, v.v
Đến đây, bạn đã nắm được 5 bước cần thiết để tạo nên một kế hoạch marketing hoàn chỉnh. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng kế hoạch này lên một tầm cao mới? Ngay ở phần bên dưới đay, tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ được các yếu tố chủ chốt bên trong đó!
6 yếu tố cần thiết cho mỗi kế hoạch marketing
Các bước lên kế hoạch marketing tôi đã trình bày chi tiết ở phần trên. Song, để làm nên 1 kế hoạch hoàn hảo, bạn cần hiểu rõ hơn về yếu tố chủ chốt bên trong đó.
Có như vậy, người dùng mới biết được ngành hàng/dịch vụ bạn đang kinh doanh là gì? Bạn nhắm tới đối tượng khách hàng B2C hay B2B? Bạn hoạt động digital mạnh mẽ ra sao?.
Dưới đây là 6 yếu tố mà mọi kế hoạch marketing cao cấp cần có:
1. Bản giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp
Bản giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp bao gồm: tên công ty, nơi đặt trụ sở chính, mục tiêu, sứ mệnh – tất cả đều phải nhất quán với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp.
Trong bản giới thiệu này cũng cần nêu lên kế hoạch marketing rõ ràng, chẳng hạn như: bảng phân tích SWOT điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.
Lưu ý: Để hoàn thiện phần SWOT, bạn cần điền chính xác thông tin các yếu tố tiếp theo.
2. Sáng kiến kinh doanh
Yếu tố sáng kiến trong kinh doanh là một phần hết sức quan trọng trong các chiến dịch marketing, có nhiệm vụ giúp bạn phân đoạn các mục tiêu khác nhau trong công việc.
Hãy cẩn thận để không đưa các sáng kiến mang tầm ảnh hưởng quá lớn mà thay vào đó, bạn nên phác thảo các dự án cụ thể, thiết thực cho hoạt động marketing, mục tiêu của từng dự án và các chỉ số đo lường các mục tiêu đó.
3. Thị trường mục tiêu
Trong phần thị trường mục tiêu, bạn mô tả ngành hàng/dịch vụ mà đang kinh doanh, bản phân tích đối thủ cạnh tranh và phác thảo chân dung khách hàng tiềm năng.
Để làm được điều đó, bạn cần tiến hành một số nghiên cứu thị trường cơ bản. Nếu công ty của bạn đã thực hiện nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng từ trước, thì phần này trong kế hoạch tiếp thị của bạn có thể dễ dàng tổng hợp lại với nhau hơn.
4. Chiến lược marketing
Việc chọn lọc chiến lược Marketing hay nói cách khác là cách thức công ty sẽ tiếp cận thị trường như thế nào hầu hết đều dựa vào thông tin từ phần thị trường mục tiêu phía trên.
Cụ thể hơn là doanh nghiệp của bạn sẽ cung cấp những gì cho người dùng mà đối thủ cạnh tranh của bạn chưa thể mang đến cho họ?
Ở phần này, mô hình marketing mix 7P hẳn sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho các marketers trong việc đặt ra chiến thuật cho 7 yếu tố chính của doanh nghiệp, bao gồm:
- Product – sản phẩm
- Price – giá cả
- Place – địa điểm
- Promotion – chương trình quảng bá
- People – con người
- Process – quy trình
- Physical evidence – cơ sở vật chất.
5. Ngân sách
Tôi hy vọng bạn không bị nhầm lẫn khái niệm “Ngân sách” trong các chiến dịch Marketing với “giá sản phẩm” hoặc “các khoản tài chính khác của công ty”. Chúng hoàn toàn khác nhau nhé!
“Ngân sách” ở đây mô tả số tiền doanh nghiệp phân bổ cho nhóm marketing để hiện thực hóa các sáng kiến và mục tiêu được nêu trong các yếu tố trên.
Tùy thuộc vào số lượng các mục cần chi tiêu, như: chi phí cho agency, phần mềm marketing, các chương trình khuyến mãi trả phí và các sự kiện sắp tổ chức, …mà bạn cân nhắc phân chia ngân sách của mình sao cho hợp lý.
6. Các kênh tiếp thị
Yếu tố cuối cùng cần có trong 1 bản kế hoạch marketing là danh sách các kênh tiếp thị, nghĩa là các phương tiện truyền thông bạn sẽ sử dụng để đăng tải content nhằm tạo tương tác với khách hàng thân thiết, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và quảng bá nhận thức về thương hiệu.
Hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Vậy, bạn hãy xác định xem nên chọn nền tảng online nào để đăng tải thông tin doanh nghiệp, cách xây dựng ra sao và bạn làm thế nào để theo dõi kết quả của quá trình?
Kết luận:
Tôi tin rằng, qua bài viết này, bạn đã tự tin hơn trong việc tạo lập cho mình 1 kế hoạch marketing hoàn hảo.
Hy vọng các chiến dịch marketing bạn đọc triển khai trong tương lai, dù là trên phương diện mạng xã hội hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng sẽ mang lại kết quả viên mãn là đi đúng định hướng, mục tiêu và quá phát triển của công ty.
Nào, hãy bắt tay thực hiện và review kết quả qua phần bình luận bên dưới nhé!Chúc bạn thành công!
Nguồn tham khảo:
- 40 Content Writing Tips
- The Nine Ingredients That Make Great Content
- 6 Tips for Writing Successful Marketing Content
Bài viết Hướng dẫn 5 bước lập bản kế hoạch marketing hoàn chỉnh 2020 thuộc quyền sở hữu của FIEX Marketing - được viết bởi Thu Ho.
source https://fiexmarketing.com/blog/ke-hoach-marketing/
Nhận xét
Đăng nhận xét