Viral Marketing là gì? Làm thế nào để tạo chiến lược Viral Marketing?

Nhiều doanh nghiệp hiện nay lựa chọn Viral Marketing nhằm giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận được với khách hàng.

Vậy Viral Marketing thực sự là gì?

1. Viral Marketing là gì?

Viral Marketing (hay Tiếp Thị Lan Truyền) là một hình thức quảng bá dựa vào một khách hàng mục tiêu ban đầu để lan truyền nhanh chóng nội dung, thông điệp về sản phẩm hoặc dịch vụ tới những đối tượng khác.

Tiếp thị được xem là “viral” khi nội dung, thông điệp bắt đầu được công chúng chia sẻ rộng rãi hơn.

Khi đó, nội dung, thông điệp mà marketer mong muốn được truyền tải sẽ có mặt trên hầu hết nguồn cấp social media của mọi người.

VD: chiến dịch Viral Marketing “Dumb Way To Die” của Metro:

Chiến dịch Dumb way to die được hưởng ứng nhiệt liệt bởi đông đảo khán giả

“Dumb Way To Die” là chiến dịch tuyên truyền ý thức về an toàn giao thông tại các khu trạm tàu điện ngầm của hãng Metro Trains, thực hiện bởi agency McCann Melbourne.

Chiến dịch đã đạt được những hiệu ứng truyền thông bùng nổ ngoài sức mong đợi khi trở thành hiện tượng với 24 triệu lượt xem trong tuần đầu tiên kể từ khi được phát hành vào ngày 15  tháng 11 năm 2012 trên Youtube và là video được chia sẻ nhiều nhất trên Internet năm đó. 

Bằng những hình ảnh hoạt họa vui nhộn và giai điệu bài hát bắt tai, Dumb way to die nhanh chóng thu hút được giới trẻ. Họ không những xem, chia sẻ mà thậm chí tự “chế” ra những phiên bản của riêng mình.

Thông điệp an toàn giao thông tưởng chừng như khô khan lại được dễ dàng lan tỏa rộng rãi hơn bao giờ hết.

2. Viral Marketing hoạt động như thế nào?

Phần lớn Viral Marketing hiện đại trên social media có thể được hình dung dễ dàng bằng sự phổ biến của văn hóa meme. Mặc dù không nhất thiết phải gắn liền với một sản phẩm cụ thể nào nhưng cách meme lan truyền vẫn đi đôi với các nguyên tắc lan truyền.

Đơn cử như cách mà những hiện tượng như Baby Yoda hoặc “OK boomer” bỗng nhiên chiếm lấy social feeds của bạn. Các meme này được chia sẻ và truyền bá rầm rộ vì chúng được mọi người đón nhận, thể hiện thông qua các “lượt thích” và lượt chia sẻ.

Các quy tắc tương tự cũng được áp dụng cho Viral Marketing khi những người theo dõi và khách hàng chia sẻ thông điệp của một thương hiệu vì họ cảm thấy thông điệp hoặc quảng cáo đó khơi dậy được sự hứng thú và quan tâm.

Để đạt sự thành công cho chiến dịch lan truyền cũng là một thử thách đặc biệt khó khăn dành cho các thương hiệu. Sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng cố gắng khiến thương hiệu của mình trở nên viral, nhưng sẽ rất ít doanh nghiệp có thể thực sự xoay sở để thương hiệu nhận được phạm vi tiếp cận toàn cầu mà họ đang tìm kiếm.

3. Ưu và nhược điểm của Viral Marketing:

Nắm được ưu và nhược điểm của Viral Marketing sẽ giúp cho marketer xây dựng được một chiến lược tiếp thị lan truyền hiệu quả hơn.

Vậy những ưu, nhược điểm đó là gì? Cùng FIEX điểm qua nhé.

a) Ưu điểm:

  • Tiết kiệm đáng kể chi phí:

Viral Marketing mang lại hiệu quả chi phí cao, thậm chí còn có thể không cần tốn bất kỳ khoản tiền chi cho quảng cáo nào để quảng bá thông điệp đến nhiều người khác, khi chính khách hàng sẽ thay bạn làm việc này.

Do vậy, một khi Viral Marketing được thực hiện thành công sẽ giúp doanh nghiệp đạt ROI đáng kinh ngạc.

  • Dễ triển khai:

Mạng xã hội giúp việc khuyến khích nhiều người khác truyền bá thông điệp của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Bạn có thể tiếp cận với bạn bè và gia đình ngay lập tức mà không phải tốn quá nhiều thời gian.

  • Khả năng tiếp cận rộng lớn:

Khi được thực hiện đúng, một phần nội dung thông điệp có thể được lan truyền với tốc độ như vũ bão trong khoảng thời gian ngắn.

Hãy nhớ rằng công ty Harry’s ban đầu chỉ bắt đầu với quy mô nhỏ nhưng sau đó đã phát triển nhanh chóng nhờ vào chiến dịch trước khi ra mắt của họ đã trở nên viral chỉ trong một tuần.

  • Thu hút khách hàng tiềm năng:

Harry’s không chỉ lan truyền tốt chiến dịch marketing của họ mà còn thu thập được 100.000 người đăng ký email.

Điều đó cho thấy Viral Marketing có thể giúp bạn xây dựng danh sách email với một bản sao landing page và mồi câu tốt.

  • Nâng cao nhận diện thương hiệu:

Dù bằng hình thức phát hành viral video, ebook, podcast hay bất kỳ tài liệu nào khác, một chiến dịch Viral Marketing thành công sẽ khiến khách hàng ghi nhớ và nhận diện được thương hiệu dễ dàng hơn so với các đối thủ khác.

b) Nhược điểm:

  • Mối e ngại về quyền riêng tư:

Theo một cuộc khảo sát của IDC, có tới 84% người dùng lo ngại về tính riêng tư của thông tin cá nhân mà họ cung cấp.

Nếu marketer thu thập email cũng như các thông tin cá nhân khác của khách hàng, hãy đảm bảo cho họ biết những thông tin này sẽ được sử dụng như thế nào.

  • Nguy cơ gây điều tiếng tiêu cực: 

Mục đích của Viral marketing là khiến cho thương hiệu của một doanh nghiệp chiếm được thiện cảm của công chúng, chứ không phải là điều ngược lại, gây ra điều tiếng tiêu cực cho sản phẩm đang được quảng bá.

Tuy nhiên, một số chiến dịch lại mắc sai lầm khi trở nên viral vì những vấn đề nhạy cảm.

Có thể lấy ví dụ như quảng cáo của Sony ở Hà Lan vào năm 2006 đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội do được xem là cố ý phân biệt chủng tộc, khiến hãng này phải buộc tháo gỡ tất cả bảng quảng cáo cho sản phẩm mới và lên tiếng xin lỗi tất cả người tiêu dùng.

  • Vấn đề thư rác:

Một chiến dịch tiếp thị đôi khi có thể phản tác dụng khi không chỉ không gây được tiếng vang với khách hàng mà lại gây ấn tượng xấu về việc gửi thư rác.

Đừng quá nóng vội khi cố gắng viral. Xác định được mục tiêu chính xác sẽ là bước đệm giúp cho chiến dịch Viral Marketing thành công.

4. 7 yếu tố để chiến dịch Viral Marketing được lan truyền mạnh mẽ:

Có lẽ sẽ không gì hiệu quả trong việc truyền bá thông điệp của một doanh nghiệp hơn một chiến dịch Viral Marketing. Công cụ này được ước tính có thể có tác động gấp 500-1000 lần so với một chiến dịch thông thường.

Tạo ra một chiến dịch Viral Marketing thành công khó hơn chúng ta tưởng vì nó đòi hỏi marketer phải lên kế hoạch và nghiên cứu một cách cẩn thận.

Dưới đây là 7 yếu tố dễ tác động đến hành vi của người dùng, hãy thử cố gắng kết hợp càng nhiều yếu tố càng tốt để chiến lược Viral Marketing có sức mạnh lan tỏa ấn tượng.

1. Truyền tải cảm xúc mạnh mẽ

Cảm xúc đóng vai trò quyết định nội dung của chiến dịch Viral Marketing có được lan truyền rộng rãi hay không.

Việc doanh nghiệp cần làm là phát triển quan điểm rõ ràng và khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ chứ không phải kiểu trung lập nửa vời. 

Tập trung vào yếu tố hài hước hay tạo sự xúc động lấy đi nước mắt của khách hàng cũng đều sẽ kích thích được hành vi của họ.

Thông điệp bạn tạo ra càng mang nhiều xúc cảm sẽ càng khiến nhiều người muốn chia sẻ nó hơn.

2. Làm điều gì đó vượt ngoài mong đợi

Hãy làm điều gì đó hoàn toàn bất ngờ để gây được sự chú ý của khách hàng. Đừng cố gắng quảng cáo sản phẩm của bạn và làm cho nó trông thật bắt mắt như cách mà mọi nhãn hàng khác đều đã và đang làm.

Hãy nhớ điều đặc biệt luôn khiến bạn khác biệt!

Thử lấy Chiến dịch “Will it Blend?” trên Youtube của Blendtec làm ví dụ.

Video viral của họ trở nên phổ biến không phải vì chính sản phẩm máy xay sinh tố của hãng, mà vì máy xay sinh tố của họ có khả năng trộn gì – ở đây cụ thể là những chiếc iPhone đời mới, viên bi và các vật dụng khác.

3. Đừng cố gắng chèn quảng cáo

Viral Marketing không chỉ đơn thuần là những quảng cáo mà mọi người cùng chia sẻ.

Khi áp dụng chiến lược này, hãy tạm quên thương hiệu và sản phẩm của bạn để tập trung vào việc tạo ra một câu chuyện hay và thú vị. 

Việc quảng cáo sản phẩm đòi hỏi người làm marketing phải rất tinh tế – sản phẩm không là tâm điểm mà chỉ nên là yếu tố phụ giúp làm nổi bật thông điệp chính.

4. Làm những phần tiếp theo

Một khi mọi người đã xem chiến dịch và chú ý đến sản phẩm của bạn, việc cần làm sau đó là tiếp tục triển khai nội dung này thành nhiều phần hơn nữa.

Làm phần tiếp theo chính là cách tốt nhất để đáp ứng sự tò mò của khách hàng qua đó đưa thương hiệu của bạn ngày càng tiếp cận tới rộng rãi công chúng hơn. 

Chiến dịch “Đi để trở về” vào Tết năm 2017 của nhãn hàng Biti’s đã thực sự tạo ra cú hích lớn với doanh thu vượt định mức tới 300%.

Video thuộc chiến dịch Đi để trở về của nhãn hàng Biti’s

Liên tục những sau đó theo, Biti’s lại cho ra mắt phần tiếp theo của chiến dịch này để kết hợp giới thiệu dòng sản phẩm mới.

5. Tạo điều kiện để thúc đẩy sự chia sẻ

Chia sẻ chính là tất cả những gì mà Viral Marketing hướng tới. Nội dung doanh nghiệp tạo ra càng dễ chia sẻ, chiến dịch sẽ càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Hãy cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đều có thể dễ dàng download, chia sẻ nội dung của bạn qua email hay trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào. 

6. Luôn ghi nhận những bình luận

Xây dựng kết nối sâu với khách hàng là một phần quan trọng hơn cả của các chiến dịch lan truyền. Bạn còn nhớ chiến dịch Old Spice với sự tham gia diễn xuất của Isaiah Mustafa chứ?

Lượng người xem các video của Old Spice tăng vọt khi nhãn hàng này bắt đầu đăng tải các video trên Youtube để phản hồi những câu hỏi do chính người hâm mộ gửi về.

7. Không hạn chế quyền truy cập

Cốt lõi của Viral Marketing là sự lây lan nhanh chóng như một loại virus, thông điệp của Viral Marketing cũng phải luôn mang tính công khai, vì vậy, đừng yêu cầu khách hàng phải đăng ký thành viên hay tải xuống những phần mềm đặc biệt, v.v.. để theo dõi nội dung chiến dịch.

Việc hạn chế quyền truy cập chỉ khiến khách hàng e ngại tiếp cận, chiến dịch cũng bị giảm bớt đi sự lan truyền.

6 tips cơ bản để tạo một chiến lược Viral Marketing

Để tìm ra cách sáng tạo nội dung lan truyền và tăng khả năng hiển thị tổng thể trên các phương tiện social media, hãy cùng FIEX nghiên cứu 6 mẹo cơ bản sau đây của một chiến dịch Viral Marketing

1. Xác định rõ từ đầu lý do tại sao bạn muốn thực hiện lan truyền

Một trong những vấn đề lớn nhất của các công ty đang cố gắng làm viral marketinglà không biết rõ tại sao họ lại muốn thương hiệu của mình xuất hiện ngập tràn trên các trang mạng xã hội.

Dù mục tiêu là để nâng cao nhận thức thương hiệu hay để thu hút sự chú ý của khách hàng, marketer đều cần phải kết hợp hài hòa các nỗ lực lan truyền với mục tiêu tổng thể.

Điều này sẽ giúp họ tạo ra được nội dung lan truyền có ý nghĩa hơn.

2. Hãy “kết thân” với social media report

Như đã được đề cập trước đó, khán giả đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chia sẻ thông điệp của Viral Marketing.

Dù bạn đang tìm cách lựa chọn hay tạo ra nội dung lan truyền, bạn cần biết điều gì phù hợp với đặc điểm, thói quen và sở thích của những khách hàng mục tiêu.

Vậy làm thế nào để bạn tìm ra điều đó? Đối với những người mới bắt đầu, hãy xem nội dung nào hoạt động tốt nhất bằng cách theo dõi các thông số social media sau:

  • Lượng tương tác của khán giả (like, share, comment)
  • Lưu lượng và hiệu suất từ khóa 
  • Số lần hiển thị trang
  • Số lượt click và độ reach trên Social media
  • Dữ liệu nhân khẩu

Mỗi thông số này của social media report có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về những nội dung có tiềm năng được chia sẻ rộng rãi. Đó hoàn toàn có thể là một video hoặc là một meme.

Dashboard repoort của các kênh mạng xã hội giúp bạn lập kế hoạch và triển khai chiến dịch viral marketing hiệu quả

Có thể nói nhờ những social media report, bạn có thể bắt đầu xây dựng một chiến dịch trong tương lai dựa trên những phản ứng của người dùng trong quá khứ và ở thời điểm hiện tại.

3. Đảm bảo rằng nội dung của bạn luôn sẵn sàng để chia sẻ

Một điều tiên quyết là bạn phải đảm bảo nội dung của mình được tối ưu hóa để chia sẻ nhanh chóng và dễ dàng.

Chẳng hạn các chiến dịch trên mạng xã hội không chỉ nên giới hạn việc chia sẻ trên một nền tảng duy nhất mà hãy cân nhắc khả năng truyền bá thông điệp với những nguồn có sẵn khác, từ các blog, bản tin đến các sự kiện trực tiếp và những phương tiện khác trong mạng lưới của bạn.

Sau đó, bạn cần lựa chọn kênh truyền tải phù hợp cho nội dung muốn lan tỏa.

Ví dụ như phát động chương trình Giveaway thông qua Facebook, Twitter hoặc Instagram. Các Viral Video thì nên ưu tiên thực hiện trên YouTube, TikTok cũng như Instagram.

Để sự lan tỏa được liền mạch, bạn có thể giúp khách hàng của mình chia sẻ chiến dịch dễ dàng hơn bằng nhiều cách:

  • Cung cấp nhiều đường dẫn chia sẻ
  • Tặng sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí
  • Đặt câu hỏi để tạo sự tương tác và kết nối với khách hàng
  • Không hạn chế nội dung lan tỏa

4. Sử dụng những hashtag để lan truyền thông tin

Hashtag giúp việc nhận biết và chia sẻ thông điệp được dễ dàng hơn. Khi thực hiện bất kỳ chiến dịch nào, marketer cũng nên lựa chọn những hashtag bắt mắt và dễ ghi nhớ.

Bằng việc theo dõi số lượt đề cập và lượt chia sẻ hashtag, bạn sẽ đánh giá được xem liệu chiến dịch của mình đã làm được những gì trong thời gian qua.

Các công cụ phân tích hashtag cũng sẽ hỗ trợ bạn khám phá ra các hashtag khác có liên quan mà khách hàng mục tiêu thường hay nhắc đến, qua đây có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường lan truyền.

5. Khi loay hoay chưa biết phải làm gì, hãy cân nhắc đến việc “bắt trend”

Trendjacking được hiểu là sự kết hợp ý tưởng truyền thông với các sự kiện nóng tại một thời điểm nhất định. Hình thức này sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ phủ sóng của thương hiệu mà không cần quá nhiều nỗ lực lan truyền.

Bạn có thể biến thương hiệu của mình trở nên “trendy” và tham gia vào cuộc đua “bắt trend” theo nhiều cách: “chế” meme, trích lời những ca khúc đang thịnh hành hay cho ra mắt các sản phẩm mới liên quan đến dòng chảy sự kiện.

Đây được xem là một trong những phương thức tiếp thị chủ yếu cho những doanh nghiệp đang cố gắng giành lấy một phần thị trường lan truyền.

Chiến lược này đòi hỏi sự nhanh nhạy nắm bắt thời điểm vàng trước khi các tin tức hot trở nên chìm nghỉm.

Các doanh nghiệp nhỏ thường hay chiếm lợi thế hơn so với các doanh nghiệp lớn khi thực hiện trendjecking vì họ có thể quyết định nội dung sản xuất và bung thông điệp rất nhanh chóng.

6. “Người hóa” nội dung tiếp thị

Suy cho cùng chủ đề chung của hầu hết các nội dung lan truyền đều xoay quanh con người.

Nội dung marketing cần thuần túy, gần gũi và đáng tin cậy thì mới có thể tiếp cận được Thế hệ Z và các thế hệ trẻ hơn – những đối tượng được cho là có khả năng nhất trong việc lan tỏa thông điệp.

Chính vì điều đó, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng những thông điệp mang tính nhân hóa cao, hoặc ít nhất tạo ra được nội dung chân thực thì mới có thể thu hút được lượng chia sẻ cao giữa những người dùng.

Case study: Các chiến dịch Viral Marketing thành công vang dội trên thế giới

a) Angry Birds

Trước “Angry Birds”, Rovio Entertainment đã phát hành 51 trò chơi lớn nhỏ khác nhau nhưng lại không gặt hái được thành công đáng kể nào.

Khi “Angry Birds” lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 12 năm 2009, tựa game này vẫn nhận lấy thất bại vì không thu hút được sự quan tâm của người dùng trong các thị trường nói tiếng Anh.

Trò chơi Angry Bird của Rovio

Dù đứng trước bờ vực phá sản nhưng điều đó không ngăn được Rovio thay đổi chiến lược phát triển. Họ quyết định chuyển sang tập trung hướng đến nhóm khách hàng ở các nước châu Âu nhỏ hơn.

Ba tháng sau, “Angry Birds” đạt được vị trí thứ nhất trong App Store tại Phần Lan chỉ sau vài trăm lượt tải xuống. Tiếp đó, trò chơi này cũng lần lượt đạt vị trí số một trên khắp Thụy Điển, Hy Lạp và Đan Mạch với 40.000 lượt downloads.

Thừa thắng xông lên, Rovio đã tiếp cận nhà phát hành trò chơi độc lập Chillingo để đẩy ứng dụng của mình lên các App Stores ở Anh và Mỹ.

Chillingo sau đó đã thuyết phục được Apple đưa “Angry Birds” lên trang đầu của App Store tại Anh. Với danh hiệu “trò chơi của tuần’’ trong năm 2010, việc Angry Birds tăng lên 1 tỷ lượt tải xuống chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Vậy điều gì đã làm cho chiến dịch này trở nên viral?

  1. Bắt đầu từ những điều nhỏ: Đối mặt với việc không thành công ở hai thị trường nói tiếng Anh lớn nhất, Rovio buộc đã phải xoay chuyển mình. Họ quyết định bắt đầu với các thị trường nhỏ hơn và  từ đó hoạt động theo cách thức của riêng mình.
  1. Nội dung nổi bật: Không thể phủ nhận “Angry Birds” trở nên lan truyền vì nó là một trò chơi gây nghiện, kết hợp bởi nhiều yếu tố: Hoạt họa trực quan với hình tượng những chú chim giận dữ đáng yêu, không mất thời gian load game, hầu hết các trò trong game được miễn phí và người dùng có thể chơi nó ở bất cứ đâu.

b) Chiến dịch “Real Beauty Sketches” của Dove

Trong bối cảnh khi mà tiêu chuẩn của vẻ đẹp ngày càng đi theo “khuôn mẫu” khó với tới được, Dove đã sản xuất một bộ phim ngắn dài 6 phút vào năm 2013 với nội dung mô tả cách người phụ nữ nhìn nhận về bản thân mình so với cách người khác nhìn nhận về họ.

Chiến dịch Real beauty sketchers đã từng viral một thời của Dove

Chiến dịch đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới khi truyền đi thông điệp “vẻ đẹp thực sự” của phụ nữ chính là lòng tự tôn.

Đến nay, video này của Dove đã cán mốc hơn 9 triệu lượt xem trên Youtube, chứng tỏ được sức lan tỏa không tưởng của một Viral Marketing thành công.

c) Chiến dịch đố vui “Five Beanz” của Heinz

Bạn có tin rằng một chiến dịch ra mắt sản phẩm có thể tiếp cận tới 11 triệu người không? Đó chính xác là những gì mà “Five Beanz” của Heinz đã làm được vào năm 2012. 

Thời gian trước, khi nhắc tới Heinz người ta nghĩ ngay đến tương cà, vì vậy, để khiến khách hàng hứng thú với sản phẩm mới của mình, họ đã tạo ra một bài trắc nghiệm tính cách với 6 câu đố vui. 

Khách hàng khi tham gia trả lời sẽ biết họ là loại đậu gì: Borlotti, Cannellini hay Pinto, v.v.. Những người thực hiện bài kiểm tra sẽ có cơ hội giành chiến thắng với giải thưởng là những hạt đậu mang tính cách và tên của mình! 

Quà tặng độc đáo của Henz với ý tưởng khắc tên khách hàng lên trên hạt đậu là yếu tố gây viral của chiến dịch

Chính vì phần thưởng quá độc đáo và hấp dẫn đã tạo nên một cơn sốt từ khách hàng, sự nhận biết thương hiệu cũng được lan tỏa đầy ấn tượng.

d) Series phim “13 Reasons Why” của Netflix

Loạt phim của Netflix kể về vụ tự sát của nữ sinh trung học Hannah Baker. Hai tuần sau cái chết của cô nàng, những đoạn băng cassette do chính cô ghi lại bắt đầu được lưu hành trong trường. 13 đoạn băng cũng chính là 13 lý do khiến Hannah tự kết liễu cuộc đời mình.

Khai thác đề tài nhức nhối mang tên bạo lực học đường, “13 Reasons Why nhận cơn bão lời khen nhưng cũng hứng chịu vô số lời chỉ trích từ các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh.

Tuy nhiên, bộ phim đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của nó là gây được sự chú ý từ dư luận, tạo ra hiệu ứng cực lớn trong cộng đồng mọt phim.

Kết luận:

Viral Marketing là một trong những chiến lược ngày càng được nhiều marketer ưu tiên thực hiện khi không chỉ đem lại hiệu quả cao về mặt nhận thức thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo.

Hi vọng toàn bộ bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ được khái niệm Viral Marketing là gì cũng như nắm được những đặc điểm và yếu tố nổi bật của chiến lược này, từ đó xây dựng được riêng cho doanh nghiệp mình nhiều thông điệp mang tính lan tỏa. 

Bài viết Viral Marketing là gì? Làm thế nào để tạo chiến lược Viral Marketing? thuộc quyền sở hữu của FIEX Marketing - được viết bởi Thu Ho.



source https://fiexmarketing.com/viral-marketing-la-gi/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thông tin về Công ty cổ phần FIEX Marketing

CUSTOMER JOURNEY MAP – Bản đồ hành trình giúp tối ưu trải nghiệm của khách hàng

Làm Content Youtube là gì? Hướng dẫn 11 bước làm Youtube Content triệu view